Sáng ngày 24/5/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh tổ chức Hội nghị Chuyên đề: “Giải pháp hỗ trợ, chăm lo không để tái nghèo” trên địa bàn huyện Bình Chánh năm 2024. Đến dự Hội nghị có ông Trần Văn Xem – Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Bà Trương Thoại Linh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Huyện, Ông Võ Minh Hiển – Phó Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội Huyện, Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huyện và đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội Huyện, Trung tâm Văn hóa Thể thao và truyền thông Huyện, Thường trực Ủy ban nhân dân – Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 16 xã, thị trấn và cán bộ Lao động Thương binh và Xã hội 16 xả, thị trấn.
Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị từ huyện đến xã – thị trấn đã phối phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ vốn, phương tiện làm ăn, hỗ trợ nhu cầu học nghề, chăm lo học bổng nhằm giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh có nguồn thu nhập ổn định.
Hưởng ứng Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, toàn huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn, trong đó, chú trọng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết phát triển đa dạng các mô hình sản xuất, kinh doanh có sự tham gia của hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ, khuyến khích các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, từng bước tạo nguồn thu nhập cho các hộ nghèo để nâng cao mức sống, quan tâm hỗ trợ nhà ở, tạo việc làm, hỗ trợ phương tiện sinh kế, đảm bảo các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo. Một số mô hình hay, cách làm hiệu quả đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện trong thời gian qua: Mô hình “Bình Chánh chung tay, giúp nhau vượt khó”, mô hình “Sinh kế trao tay – Tương lai bền vững”, mô hình “Doanh nghiệp đồng hành cùng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn”, mô hình “Đỡ đầu học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi”, mô hình “Trao gửi yêu thương”, Công trình “Chi hội không còn hội viên nghèo”, mô hình “Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, mô hình “Tổ hợp tác ngành nghề may”, giới thiệu hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn để sản xuất kinh doanh…
Ông Võ Minh Hiển – Phó Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cho biết, hàng năm, huyện lập kế hoạch nhu cầu vốn đề nghị Thành phố dành ưu tiên nguồn ngân sách TPHCM và ngân sách huyện bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo, cho vay giải quyết việc làm,…giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ diện chính sách khác có nhu cầu vay vốn sản xuất nhằm cải thiện, nâng cao mức sống và chất lượng sống cho các hộ, đồng thời, Ủy ban nhân dân huyện phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn từ các nguồn quỹ hỗ trợ. Về hộ nghèo: Tổng số hộ nghèo toàn Huyện đầu giai đoạn 2021 – 2025 là 1.871 hộ, chiếm tỷ lệ 0,90% so với tổng số hộ dân toàn Huyện. Trong 03 năm, đã thực hiện tăng bổ sung 45 hộ, giảm 1.916 hộ, hoàn thành cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Về hộ cận nghèo: Tổng số hộ cận nghèo toàn Huyện đầu giai đoạn 2021 – 2025 là 1.198 hộ, chiếm tỷ lệ 0,58% so với tổng số hộ dân toàn Huyện. Trong 03, đã thực hiện tăng bổ sung 1.211 hộ, giảm 1.473 hộ (tỷ lệ giảm 0,71%). Số hộ cận nghèo còn lại cuối năm 2023 là 936 hộ, chiếm tỷ lệ 0,43% so với tổng số dân toàn Huyện
Tại hội nghị, các vị đại biểu đã chia sẻ, cách làm trong công tác phối hợp, chăm lo, vận động các công ty, doanh nghiệp cùng đồng hành chăm lo cho hộ có hoàn cảnh khó khăn và 09 ý kiến trao đổi đề xuất các giải pháp để cả hệ thống chính trị huyện, xã, thị trấn cùng tập trung thực hiện trong năm 2024 và các năm tiếp theo nhằm đảm bảo cho các hộ cận nghèo, hộ vừa thoát chuẩn cận nghèo giảm nghèo bền vững, không để tái nghèo như: Tập trung rà soát lại các chiều thiếu hụt của hộ cận nghèo, hộ vừa thoát chuẩn hộ cận nghèo; nội dung chăm lo để đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả, và đảm bảo tính căn cơ, lâu dài, “hỗ trợ cần câu hơn là cho con cá” để giúp các hộ dân có được việc làm, phương tiện làm ăn tạo ra nguồn thu nhập ổn định…